Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, xung đột địa chính trị phức tạp là những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2024. Tuy nhiên, sự hình thành của một số xu hướng tiêu dùng mới sẽ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp linh hoạt và nhạy bén.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Vietnam Business Outlook 2024 do Group Quản lý doanh nghiệp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 17/11.
Các chuyên gia chia sẻ thông tin thị trường tại hội thảo.
Các chuyên gia chia sẻ thông tin thị trường tại hội thảo.
Ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay không phải là kim ngạch xuất khẩu giảm mà chính là kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đang giảm sâu hơn cả xuất khẩu.
Cụ thể, trong 3 quý vừa qua, xuất khẩu Việt Nam qua Mỹ giảm 10% thì nhập khẩu từ Mỹ giảm tới 15,8%; xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - Hàn Quốc giảm 4% nhưng nhập khẩu giảm 15%; xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 4,7% nhập khẩu giảm 10%; xuất khẩu trong khu vực ASEAN giảm 6,2% còn nhập khẩu giảm 15%.
"Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chế biến. Do đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu càng thấp phản ánh tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng càng cao. Hệ quả là kim ngạch xuất khẩu thời gian tới, cụ thể năm 2024 sẽ chưa mấy khả quan" - ông Hòa phân tích.
Theo ông Hòa, biến động chính trị khiến giá năng lượng biến động liên tục, mà giá dầu thế giới cao thì chi phí sản xuất, vận chuyển tăng lên, hàng hóa trở nên đắt đỏ người dân phải thắt chặt chi tiêu. Giá năng lượng càng cao thì số lượng đơn đặt hàng càng giảm.
Thế giới hiện không còn "phẳng" vì nhiều quốc gia có xu hướng sử dụng các rào cản thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, tăng hàng rào kỹ thuật hạn chế hàng nhập khẩu. Song song đó, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững ngày càng phổ biến hơn, sản phẩm organic được khuyến khích nhiều hơn, kinh tế chia sẻ được vận dụng rộng rãi hơn nhờ sự phát triển của công nghệ.
Cùng quan điểm, ông Dzũng Nguyễn, Giám đốc điều hành NielsenIQ cho rằng, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững, tuần hoàn sẽ là trọng tâm trong tương lai. Khách hàng chủ đạo hiện nay và những năm tới là thế hệ gen Y (những người sinh ra trong những năm 1980 -1995) và gen Z (những người sinh ra sau 1995 - 2012).
Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ cần chú trọng giữ chân gen Y và làm thân với gen Z; tập trung cải tiến sản phẩm theo hướng tốt hơn cho sức khỏe, thân thiện hơn với môi trường và tiết kiệm hơn. Về phương thức bán hàng, hiện nay thương mại điện tử, các hình thức bán hành online bắt đầu vượt qua offline và phổ biến xuyên biên giới. Doanh nghiệp cần đa dạng hóa kênh bán hàng và có cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm khách hàng khác nhau để mang lại hiệu quả tối ưu.
Hội thảo Vietnam Business Outlook 2024.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ còn khó khăn, đặc biệt là các ngành nghề sản xuất truyền thống. Doanh nghiệp càng lớn thì lượng đơn hàng sụt giảm càng sâu do sức mua kiệt quệ. Sự phục hồi ở một số ngành hàng, doanh nghiệp hiện nay chỉ mới là "đốm sáng" trong bức tranh chung.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có cơ hội nào cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều bạn trẻ có kiến thức và sự nhạy bén đã khởi nghiệp rất thành công. Nhiều startup khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên bản địa cho ra các sản phẩm giá trị cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới được thị trường đón nhận tích cực.
Các chuyên gia cho rằng, lượng đơn hàng lớn sẽ khan hiếm trong thời gian tới nhưng số lượng đơn hàng nhỏ sẽ tăng lên. Giải pháp cho các doanh nghiệp hiện nay chính là nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để bắt kịp nhu cầu khách hàng. Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống cũng phải cập nhật, đón đầu các xu hướng và cải tiến sản phẩm, tận dụng mọi cơ hội vượt qua thách thức trước mắt.
Tin, ảnh: Xuân Anh (TTXVN)